Học phần “Phương pháp nghiên cứu khoa học dược” dành cho học viên sau đại học ngành Dược lý và Dược lâm sàng đã khép lại với nhiều hoạt động nổi bật. Đây là học phần nền tảng, trang bị cho học viên các kỹ năng cần thiết để xây dựng và triển khai nghiên cứu khoa học một cách bài bản, đáp ứng yêu cầu cao trong lĩnh vực y dược học hiện đại.
Qua các buổi học lý thuyết và thực hành, học viên đã nắm vững nguyên tắc xây dựng câu hỏi nghiên cứu, phương pháp tìm kiếm, phân tích và tổng hợp tài liệu khoa học, thiết kế các loại nghiên cứu phổ biến như nghiên cứu mô tả, nghiên cứu can thiệp, nghiên cứu hồi cứu và nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, kỹ năng phân tích dữ liệu và trình bày kết quả nghiên cứu bằng các phần mềm thống kê chuyên dụng, quy trình viết một bài báo khoa học và kỹ năng báo cáo tại hội nghị chuyên ngành.
Học phần được tổng kết bằng một buổi thuyết trình đề cương nghiên cứu khoa học với sự tham gia tích cực của 27 học viên Thạc sĩ khóa 2024 – 2026 ngành Dược lý và dược lâm sàng. Các đề tài được thực hiện với nhiều chủ đề khác nhau trong lĩnh vực dược lâm sàng nói riêng và chăm sóc dược tại bệnh viện nói chung, Nhiều học viên đã hoàn thành các bài tập cuối kỳ với chất lượng cao, thể hiện sự sáng tạo và khả năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn, có thể kể đến như:
- Khảo sát hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống oxy hoá in vitro của lá trầu không.
- Khảo sát tỷ lệ biến cố tim mạch ở bệnh nhân điều trị bằng clopidogrel và aspirin.
- Đánh giá mối liên hệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với trào ngược dạ dày thực quản và tình trạng dinh dưỡng ở người trưởng thành.
- Đánh giá thực hành sử dụng bình xịt định liều trên người bệnh hen phế quản.
- Đánh giá hiệu quả chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện.
- Đánh giá hiệu quả và an toàn của thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển glucose-natri tuýp 2 (SGLT2) ở người bệnh suy tim phân suất tống máu giảm.
- Hiệu quả và tính an toàn của aspirin kết hợp clopidogrel so với aspirin kết hợp ticagrelor trên người bệnh sau nhồi máu cơ tim cấp.
- Phân tích hiệu quả của dexmedetomidine trong việc giảm thời gian thở máy và tử vong giữa các bệnh hiểm nghèo.
- Khảo sát hiệu quả giảm đạm niệu của empagliflozin trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 có biến chứng tiểu đạm.
- Đánh giá hiệu quả ibuprofen và liều dùng tối ưu cho bệnh nhân phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới.
- Khảo sát tính hiệu quả, an toàn và hợp lý của aminoglycosid tại khoa hồi sức tích cực bệnh viện.
- Khảo sát mô hình bệnh tật và các vấn đề liên quan đến thuốc tại phòng khám đa khoa.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các giảng viên Khoa Dược đã đồng hành cùng học viên trong suốt học phần. Sự tận tâm của thầy cô và tinh thần học hỏi không ngừng của học viên chính là yếu tố tạo nên thành công của học phần. Hy vọng rằng, học phần này không chỉ trang bị kiến thức mà còn truyền cảm hứng để học viên mạnh dạn theo đuổi các dự án nghiên cứu, lựa chọn được cho mình định hướng nghiên cứu phù hợp cho đề tài Luận văn Thạc sĩ của mình trong năm học tiếp theo.
Một số hình ảnh tại buổi thuyết trình:



